Chia sẻ của Quản lý thành công

NGƯỜI XÂY ƯỚC MƠ

Có một người đã từng làm rất nhiều việc khác nhau để bươn chải trong cuộc sống, trong đó chị có thời gian dài gắn bó với công việc thợ xây. 41 tuổi đời với bao nhiêu sóng gió, cuối cùng chị đã tìm được bến bờ yên bình cho mình: Lô Hội. Hãy thử nhìn lại những trải nghiệm của cuộc đời chị, để rồi mỗi chúng ta hãy tự suy ngẫm và đặt cho mình những mục tiêu cho cuộc sống.

Tôi xuất thân từ một làng chài vùng Hậu Lộc, Thanh Hóa. Cha tôi làm nghề đông y, thuở nhỏ tôi thường bên cha để học nghề với mong ước sau này nối nghiệp cha. Năm tôi 13 tuổi, cha tôi qua đời. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, tôi phải bỏ học để theo anh chị buôn bán kiếm tiền, bỏ lại sau lưng ước mơ đầu đời của mình.

14 tuổi đời, tôi đã bắt đầu hành trình cuộc sống bằng rất nhiều công việc khác nhau. Ban đầu tôi theo anh đi mua bán hải sản, được 2 năm tôi lại chuyển sang nghề mua bán xe đạp cũ. Hai năm sau tôi tôi lại đổi nghề buôn bán gạo. Năm 19 tuổi, tôi theo bạn bè lên rừng mua gỗ đóng theo từng mảng xuôi theo đường sông rồi đem về các vùng biển để bán. Năm 20 tuổi, tôi lập gia đình. Thế là sáu năm thay vì được cắp sách đến trường như bao người khác, tôi đã vào đời với bao tủi cực như thế. Nhưng tôi rất vui và hạnh phúc vì cầm được những đồng tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra.

Ngày 18-06-1988 là ngày vui của cuộc đời tôi, nhưng đó cũng là ngày đánh dấu cho những chuỗi ngày bi đát của tôi. Ngày cưới của tôi thật buồn tẻ khi hai bên họ hàng lẫn bạn bè vỏn vẹn chỉ có 30 người. Đêm tân hôn chúng tôi thức trắng vì mưa to dội lên căn phòng dột nát của hai vợ chồng. Đêm ấy nước mắt của tôi đã hòa lẫn vào trong nước mưa.

Sau hôn nhân, tôi tiếp tục buôn bán và vài năm sau dành dụm được một số tiền. Tôi vay thêm tiền để mua một chiếc ghe cho chồng đi đánh cá để sinh sống. Nhưng công việc không thuận buồm xuôi gió vì thường xuyên gặp gió lớn, thế là nợ cứ chồng chất. Thời gian đó tôi lại mang thai, nhưng hàng ngày phải tải 40-50 ký hải sản trên chiếc xe đạp cũ để mua bán kiếm lời. Đang mang thai lại phải thức khuya dậy sớm tảo tần mua bán, kẻ mắng người chửi vì nợ nần, người tôi đã vô cùng mệt mỏi rã rời, thế mà chồng tôi lại mắc bệnh. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, sau khi sinh con được 22 ngày, tôi đã phải bỏ con khát sữa ở với ông nội để tiếp tục bươn chải trên chiếc xe đạp cũ kĩ.


Cuộc sống khó khăn như thế cứ đeo bám tôi 10 năm sau đó. Trong thời gian này tôi đã sinh thêm hai đứa con, và cuộc sống lúc này càng tồi tệ hơn. Hàng ngày phải chứng kiến những lời mắng nhiếc của chồng khi cơn đau hành hạ, cảnh mấy đứa con nheo nhóc đói bụng khát sữa vì mẹ kiếm tiền chưa về, lại thêm những lời mắng nhiếc, nhục mạ của anh chị nhà chồng đã khiến tôi không còn một chút niềm tin vào cuộc sống. Tôi chưa bao giờ có một giấc ngủ ngon từ khi lấy chồng. Khi đêm về, đầu tôi nhức như muốn vỡ tung, toàn thân đau nhức. Đó chính là hậu quả của những ngày làm việc không nghỉ ngơi, lại không kiêng cử sau khi sinh con. Thế mà không một ai chia sẻ nỗi đau ấy của tôi. Và trong một đêm bấn loạn tinh thần, tôi đã không làm chủ được mình mà tìm đến cái chết. Nhưng mẹ tôi đã phát hiện…

Năm tôi 31 tuổi, sau cơn bão lớn tại quê nhà, vợ chồng tôi bàn nhau đùm túm gia đình bé nhỏ và nghèo nàn của mình vào Đồng Nai sinh sống. Ban đầu, hai vợ chồng đi làm thuê, nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi cũng hết việc. Tôi lại phải lao vào cuộc sống bằng cách đi bán rau, bán cá. Để có được một chỗ bán, tôi đã từng đánh nhau ở chợ. Bệnh của chồng cứ tái phát, buôn bán cũng không thuận lợi, tôi lại cảm thấy bế tắc. Trong một phiên chợ ế ẩm, tôi đã la to cho hả dạ: “Trời ơi sao cuộc sống cứ chật vật mãi như thế này?!”. Mấy chị bạn hàng vừa chửi vừa nói: “Mày khùng hả? Nếu mày muốn có tiền hơn thì đi học nghề xây dựng đi. Tao thấy tướng mày làm được đó!”. Một câu nói vô tình khiến đêm đó tôi suy nghĩ rất nhiều. Ngay hôm sau, tôi đã quyết định đi xuống khu công nghiệp Biên Hòa 2 để xin phụ hồ. Không quen biết một ai, tôi đã phải tự mày mò làm quen với những người làm chung để học nghề, từ việc xây gạch, tô tường, sơn nước… Nhờ chịu khó học hỏi và nghề dạy nghề, tôi đã có thể làm được các công việc của một thợ xây. Rồi tôi cũng được tham gia nhiều công trình ở Đồng Nai. Sau một thời gian dài tích cóp, tôi đã mua được cho mình một vài mảnh đất nho nhỏ.

Tôi vẫn nhớ như in ngày mùng 3 Tết năm 2005. 8 giờ sáng tôi đến chúc Tết gia đình chị Hà Thị Mai. Khi bước vào nhà tôi đã ngỡ ngàng vì căn nhà ngày xưa của chị đã được thay bằng một căn biệt thự lộng lẫy. Như đọc được sự khao khát trong tôi, chị hỏi tôi có thích căn nhà này không. Chị nói rằng nếu thích thì hãy thử làm kinh doanh với chị. Tôi nhận lời.

Ngày 25-02-2005, tôi theo chị đến 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để dự hội thảo. Nghe xong tôi chẳng hiểu gì. Sau đó chị Mai thường xuyên gọi điện cho tôi, nhưng tôi bận cho nhiều công trình nên cũng chưa quan tâm. Cuối cùng, nể lời chị Mai, tôi đãký hợp đồng với chị và mua một số sản phẩm về dùng. Tôi tham gia thêm một vài buổi chia sẻ nữa, nhưng có lẽ tôi học ít nên vẫn chưa hiểu nhiều về công việc kinh doanh này. Tôi cũng có mời một vài người cùng tham gia, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đấy.

Rồi thêm một biến cố lại đến với tôi. Đầu tháng 5-2005, chồng tôi bị tai nạn tưởng chừng như đã chết. Tôi phải bán mảnh đất mà bao năm trời tích cóp với giá bán chỉ 50% giá mua để lấy tiền cứu chữa cho chồng. Một lần nữa tôi không tin vào cuộc đời này nữa. Sao sự bất công cứ mãi đến với tôi. 37 tuổi đời chỉ có mảnh đất cắm dùi thì chồng lại đau bệnh, bản thân thì đủ thứ di chứng, nào là từng uống thuốc độc, nào là bị té giàn giáo, nào là từng bị mất trí nhớ phải vào viện tâm thần. Tôi cao 1m65 mà lúc đó chỉ nặng có 40 ký. Hàng ngày tôi phải vừa lên bệnh viện Chợ Rẫy nuôi chồng, vừa phải tranh thủ về Long Thành xem công việc của ngày mai. Mệt mỏi rã rời khiến tôi có cảm giác không đủ sức gượng nữa. Trong một đêm không ngủ được, tôi đã đi đến quyết định phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống này. Tôi chợt nhớ đến lời cha tôi dạy rằng, làm nghề gì cũng phải hướng tới sự vĩnh cửu, sống phải để cho mọi người thương yêu, con người cần phải trải qua gian nan mới có nghị lực, và trong lúc thất vọng nhất cũng là lúc người ta có động lực để vượt lên chính mình. Rồi tôi lại nhớ đến những cái bắt tay, những ánh mắt trìu mến và những lời động viên trong mái gia đình Lô Hội. Những tràng vỗ tay, những ánh mắt ngưỡng mộ đã như thắp sáng thêm lửa tự tin trong tôi. Tôi nghĩ có lẽ đây là con đường duy nhất của tôi để tạo dựng lại cuộc sống. Thế là tôi trở lại Lô Hội với quyết tâm học hỏi. Tôi đã tận dụng hết thời gian mình có để tiếp thu kiến thức, cho dù phải lặn lội 49 km để đến nơi huấn luyện. Học xong 10 giờ, đến 12 giờ tôi mới về đến nhà. Có nhiều hôm xe cán phải đinh phải dắt bộ về nhà đến 2-3 giờ sáng. Thế nhưng tôi không nản lòng mà nỗi khát vọng ngày càng mãnh liệt trong tôi. Mỗi buổi sáng tôi thường đứng trước gương tập làm quen, và hàng ngày tôi thường bảo bốn cha con ngồi nghe tôi giảng, còn tôi thì đóng vai trò Quản lý. Có lần con gái tôi thấy tôi nói chuyện một mình, nó tưởng căn bệnh cũ của tôi tái phát nên mách với bố sao nhìn mẹ giống bị khùng quá.

Và cứ thế tôi đã gắn bó với sự nghiệp FLP. Nhờ sự may mắn khi có một đồng đội làm việc rất tốt, nên giờ đây giấc mơ ngày xưa của tôi đã thành hiện thực: tôi đã đạt cấp bậc Senior Manager. Gia đình tôi giờ đây rất hạnh phúc. Ba đứa con tôi đã lớn khôn và rất ngoan. Chồng tôi hàng ngày phụ việc gia đình, thỉnh thoảng giúp tôi đưa đi huấn luyện các tỉnh. Tôi đã mua được một căn nhà ở Biên Hòa và một căn ở TP.HCM. Qua câu chuyện của cuộc đời tôi, tôi xin chia sẻ với các bạn một điều rằng, dù chúng ta đang ở cấp bậc nào, dù thành công hay chưa thành công, thì hãy luôn nuôi ý chí vươn lên. “Trong cái khó ló cái khôn”, chính những lúc thất vọng nhất người ta càng có thêm động lực vượt lên cuộc sống, có khi có những ý tưởng làm thay đổi cả cuộc đời. Tôi rất tâm niệm 12 điều đạo đức của công ty. Muốn thành công và tồn tại lâu dài trong ngành kinh doanh mạng phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, và chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến khách hàng, bởi vì họ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của chúng ta.

Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ngài Rex Maughan, ngài Tan Thong Leng và cô Trương Thị Nhi. Chính nhờ quí vị mà cuộc đời tôi đã sang trang mới, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Xin chúc tất cả thành viên đại gia đình Lô Hội đều thành công!

 

NGUYỄN THỊ THỊNH

Senior Manager

Trang 1 trong 3 1 2 3 »