Hoạt động xã hội - Từ thiện

Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (MLMA) ra đời: Kỳ vọng về sức sống một ngành nghề

Tuần qua, ngày 31-3, Lễ ra mắt Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (MLMA) đã được tổ chức thành công tại Khách sạn Sheraton, TP. Hà Nội. Nhiều đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan ngoại giao đã đến tham dự đông đủ, trong đó có lãnh đạo các bộ: Nội vụ, Công thương, Tài chính, Y tế…


Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ trao Quyết định thành lập MLMA cho Chủ tịch MLMA Trương Thị Nhi.

Hoạt động hợp pháp - Mang nhiều hiệu quả cho cộng đồng

Kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời tại Việt Nam vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/NĐ-CP được ban hành vào năm 2005, hoạt động bán hàng đa cấp đã được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Trong hơn 5 năm qua, hoạt động bán hàng đa cấp đã có những bước tiến đáng kể với sự tham gia của 45 công ty Việt Nam và nước ngoài, mang lại nhiều hiệu quả cho xã hội.

Chỉ tính đến hết năm 2009, với sự hoạt động của 32 công ty bán hàng đa cấp hiện thu hút gần 700.000 nhà phân phối, mang lại doanh thu hàng năm hơn 2.100 tỷ đồng (tăng 150% so với năm 2008), đóng góp gần 660 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước và trên 5 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

“Các sản phẩm được đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp tính đến thời điểm hiện tại khoảng 1.000 mặt hàng, chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng đã góp phần làm đa dạng thị trường hàng hóa và phục vụ cho lợi ích người dân” – Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp tham gia kinh doanh đa cấp hợp pháp thì vẫn có một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép, bất chính. Theo thông tin từ Bộ Công thương cho biết, giai đoạn vừa qua có 13 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã tạm ngừng, chấm dứt hoạt động, trong đó 1 doanh nghiệp bị rút giấy phép vĩnh viễn. Một số doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh chưa tuân thủ quy định của pháp luật, mà biểu hiện cụ thể là kinh doanh đa cấp bất chính, tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình kinh doanh này và gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Xuất phát từ thực tiễn đó, các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp theo phương thức đa cấp cần có một tổ chức chuyên ngành để đại diện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này phát triển bền vững, cũng như hỗ trợ cho cơ quan chức năng quản lý tốt hơn hoạt động này. Khi ra đời, Hiệp hội cam kết vận động hội viên tuân thủ pháp luật, hoạt động lành mạnh và phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng” - Bà Trương Thị Nhi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Lô Hội, Trưởng ban Vận động thành lập MLMA và nay đã trở thành Chủ tịch MLMA khẳng định.


Các thành viên trong Ban Chấp hành MLMA nhiệm kỳ 2009 – 2014. Ảnh: T.Minh

Trách nhiệm và nghĩa vụ

Việc MLMA ra đời trong hoàn cảnh này thực sự mang nhiều ý nghĩa, phù hợp quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Thực ra trên thế giới, hoạt động bán hàng đa cấp đã được thừa nhận từ rất lâu. Đây là phương thức kinh doanh loại bỏ các khâu trung gian, tiết kiệm tối đa chi phí lưu thông phân phối hàng hóa và giảm thiểu chi phí cho bộ máy hành chính.

Hoạt động kinh doanh đa cấp thực chất là phương thức quản lý mới giúp các công ty đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mặt hàng mới và tạo ra sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, hoạt động này hạn chế được hiện tượng hàng giả, hàng nhái vì sản phẩm được phân phối đi trực tiếp từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng.

“Vấn đề là ở bất cứ quốc gia nào, để hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh thì công tác quản lý nhà nước lẫn ý thức cộng đồng về lĩnh vực này cần được nâng lên đúng mức. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải tự tôn trọng mình bằng việc thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật và bảo đảm quyền lợi khách hàng”- Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch MLMA cho biết.

Tại Việt Nam, con số 700.000 nhân lực đang hoạt động trong ngành kinh doanh đa cấp tuy chưa thực sự lớn so với các ngành nghề khác nhưng rõ ràng con số này cũng cho thấy nhiều vấn đề. “Rõ ràng, đây là phương thức kinh doanh huy động được sức lao động nhàn rỗi trong nhân dân, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vươn tới thành công, tăng khoản thu cho ngân sách nhà nước, tăng phúc lợi xã hội” - Bà Trần Diệu Hương, Tổng Thư ký MLMA nhìn nhận.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh kỳ vọng: Hy vọng sự ra đời của MLMA sẽ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hoạt động này trong thời gian tới. Hiệp hội này là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp của Việt Nam hoạt động một cách tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, nâng cao đạo đức kinh doanh, nắm bắt kịp thời những chủ trương chính sách của Nhà nước, từ đó kinh doanh đúng pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương chia sẻ: Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ phối hợp chặt chẽ với MLMA trong việc quản lý, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các hội viên, cho người tham gia bán hàng đa cấp và cho cộng đồng xã hội. “Chúng ta nhìn nhận đúng vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lành mạnh, nhưng vẫn phải xử lý mạnh tay đối với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp không được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng lợi dụng hình thức này để lừa gạt người tiêu dùng thì càng phải bị lên án nhằm bảo vệ uy tín chung của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này” – Ông Bạch Văn Mừng khẳng định.

TƯỜNG MINH

Trích đăng từ Báo Sài Gòn Giải Phóng


Trang 1 trong 5 1 2 3 4 5 »